“Mùa xuân ai đi hái hoa.
Còn em đi nuôi dạy trẻ.
Sao em muốn đàn em mau khỏe?
Sao em muốn đàn em mau ngoan?”
Kính thưa Ban tổ chức, Ban giáo khảo cùng toàn thể hội thi!
Như chúng ta đã biết, trong sự nghiệp giáo dục nghề “Nuôi dạy trẻ” là một nghề rất đặc biệt, là nhà giáo nhưng không chỉ “dạy” mà còn phải “dỗ” không chỉ giáo dục mà còn chăm sóc, hơn hết đây là nghề làm vì “tình yêu”.Câu chuyện tôi kể sau đây nói về một tấm gương tiêu biểu trong sự nghiệp giáo dục của địa phương. đó là hình ảnh của Cô Lâm Thị Đông – Giáo viên trường Mẫu giáo Tân Hộ Cơ với hình ảnh “người lái đò thầm lặng” cùng với “Một tấm lòng nhân ái” với hơn 12 năm gắn bó trong sự nghiệp trồng người.
Cô Lâm Thị Đông là một tấm gương trong công tác giáo dục với một bề dày thành tích đáng ngưỡng mộ. Cô sinh năm 1989, Sau 3 năm Cao Đẳng với những kiến thức nuôi dạy trẻ ở trường Đại học Đồng tháp, cô đã được Sở GD&ĐT Đồng Tháp phân công về giảng dạy tại Trường Mẫu giáo Tân Hộ Cơ ở xã biên giới Tân Hộ Cơ Huyện Tân Hồng Tỉnh Đồng tháp.
Trong những năm mới về trường, mặc dù công tác ở một ngôi trường thuộc biên giới nghèo nàn, cơ sở vật chất của trường còn thiếu thốn, bằng tâm huyết, lòng nhiệt tình với nghề và yêu thương học trò, cô giáo trẻ vẫn ngày ngày đến trường miệt mài với từng trang giáo án, say sưa với từng bài giảng, cô đã tìm tòi học hỏi, đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dạy trẻ. Và cứ thế, với lòng yêu nghề, mến trẻ cùng với nhiệt huyết của tuổi trẻ.Tình yêu đối với trẻ là tình mẹ con, cô giáo là người mẹ thứ hai của trẻ, là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho sự phát triển nhân cách của trẻ, vì thế cô luôn xác định quá trình chăm sóc giáo dục trẻ ở độ tuổi mầm non là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết.
Trong đội ngũ cán bộ, giáo viên của Trường Mẫu giáo Tân Hộ Cơ có rất nhiều cô giáo tận tâm, giỏi nghề, yêu trẻ. Trong đó phải nhắc đến cô giáo Lâm Thị Đông cô là một trong những giáo viên giàu nhiệt huyết, luôn đi đầu trong mọi hoạt động của Nhà trường.
Nghề nuôi dạy trẻ rất vất vả, sáng sớm đi, tối về muộn và “bên ánh đèn khuya em đã thức bao đêm” với những trang giáo án, làm đồ dùng đồ chơi phục vụ cho các con học và chơi. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng với tấm lòng yêu người, yêu nghề, cô Đông không hề nản lòng mà luôn trăn trở làm thế nào để hoàn thành thật tốt công việc ươm những mầm xanh tương lai cho đất nước.
(Cô Lâm Thị Đông)
“Trồng cây đời là tấm lòng vô hạn
Chăm mầm xanh trí chẳng cạn bao giờ”.
Và dù ở cương vị nào, phụ trách công việc gì thì cô vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, luôn tỏa sáng theo cách riêng của mình; từng làm Tổ trưởng (2018-2023), Chủ tịch công đoàn trường Mẫu giáo Tân Hộ Cơ, và ấn tượng nhất thể hiện tính tiên phong của cô là vào năm 2023 cô được nhận bằng khen của Thủ Tướng Chính Phủ Nước cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tặng bằng khen đã đạt thành tích trong công tác giáo dục và đào tạo từ năm 2017- 2018 đến năm học 2021- 2022, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ Nghĩa Xã Hội và bảo vệ Tổ quốc.Với nhiều thành tích nổi trội: Được Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng tháp tặng giấy khen có thành tích tiêu biểu trong năm học 2021- 2022, 5 lần đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (2017-2018, 2018-2019, 2019-2020, 2020-2021, 2021-2022) và nhiều năm liền đạt danh hiệu lao động tiên tiến.
(Giám đốc Sở giáo dục tặng giấy khen giáo viên có thành tích tiêu biểu trong năm 2021- 2022)
(Bằng khen của Thủ Tướng Chính Phủ năm 2021- 2022)
Cô đã có những việc làm thiết thực, giàu ý nghĩa nhân văn, tính đến nay đã 5 lần cô tích cực vận động hiến máu tình nguyện, một nghĩa cử cao đẹp thể hiện truyền thống thương thân thương ái, là hành động giúp đỡ những người bệnh đang cần những giọt máu quý giá để duy trì sự sống, vẫn câu nói cô hay nói “Một giọt máu cho đi – Một cuộc đời ở lại”, cô chia sẻ “Với cô, hiến máu tình nguyện là hoạt động thiện nguyện, mỗi giọt máu cho đi đều mang lại hy vọng cho người bệnh những lúc nguy nan. Cuộc đời mỗi người đều có lúc gặp phải những khó khăn nguy cấp, khi đó chỉ mong nhận được sự giúp đỡ từ phía cộng đồng”; chỉ qua đó thôi chúng ta có thể thấy được vai trò to lớn của hành động mang tính nhân văn sâu sắc này, nên cô luôn kêu gọi mọi người tham gia, góp phần giúp cho hành động hiến máu cao đẹp này có sức lan tỏa rất lớn trong cộng đồng, thu hút nhiều giáo viên, đã cùng cô hiến máu cứu người và coi đó là trách nhiệm bổn phận thiêng liêng của mình với cộng đồng, với xã hội.
(Giấy khen bà Lâm Thị Đông hiến máu tình nguyện năm 2022)
Trong trường, cô luôn được đồng nghiệp và học sinh quý mến nhờ tính cách thẳng thắn, chính trực, thân thiện, cởi mở, luôn quan tâm và sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ mọi người; còn ngoài xã hội, khi nhắc đến cô, ai cũng thương, cũng quý và tôn trọng trước những nghĩa cử cao đẹp của một con người luôn tận tâm vì công việc.
(Cô Lâm Thị Đông (Áo dài màu vàng) cùng tập thể giáo viên Trường Mẫu giáo Tân Hộ Cơ)
Cô – một người giáo viên luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tập thể; góp ý những ý kiến sâu sắc góp phần thúc đẩy các hoạt động giáo dục của trường; luôn tham gia đầy đủ, nghiêm túc các cuộc họp, các buổi tập huấn chuyên môn, của nhà trường…Trong sinh hoạt đảng luôn nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình trên tinh thần trung thực thẳng thắn, giữ gìn đoàn kết thống nhất. Với tôi, tôi quý cô ở sự nhẹ nhàng hoà nhã trong giao tiếp ứng xử và sự ân cần khi giúp đỡ mọi người. Cô luôn ân cần và tỉ mĩ trao đổi cho tôi những điều tôi còn bỡ ngỡ khi mới về trường công tác, cách xử lí một số tình huống sư phạm vấp phải trong quá trình giảng dạy.
(Cô Lâm Thị Đông trong hoạt động dạy trẻ vận động âm nhạc)
Cô có lối sống giản dị, đạo đức trong sáng, lành mạnh luôn tận tụy, đưa những thế hệ trẻ bước đi với cả một hành trang kiến thức, cô vẫn thường nói nếu được lựa chọn lại, cô vẫn lựa chọn nghề giáo viên bởi đó không chỉ là mơ ước mà còn bởi tình yêu, tâm huyết cô dành cho trẻ, cho công việc. Ngoài công tác chuyên môn, tích cực tham gia công tác xã hội, Cô Lâm Thị Đông còn là người vợ đảm đang, người mẹ mẫu mực trong gia đình, cùng chồng chăm sóc cha mẹ chồng chu đáo, cô con gái Phạm Lâm Nhã Khanh và Phạm Lâm Nhã Ái chăm ngoan học giỏi, hiếu thảo với cha mẹ, cư xử ngoan ngoãn, lễ phép với mọi người xung quanh.
(Bé Phạm Lâm Nhã Khanh và Bé Phạm Lâm Nhã Ái)
Và dù cuộc sống hiện tại vẫn còn nhiều nổi lo, đâu đó vẫn còn đè nặng trên đôi vai của cô. Hiện tại, cả gia đình cô dù có cuộc sống không mấy đầy đủ như đồng nghiệp của mình; nhưng cô luôn dang rộng đôi tay, giúp đỡ mọi người khi cần, trong khi chính cô cũng là người cần những sự giúp đỡ ấy…như câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” cô – với một tấm lòng bao dung, nhân hậu, yêu thương và sẵn lòng giúp đỡ mọi người, đặc biệt là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn với mong muốn được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa.
Và hôm nay, khi nền giáo dục của Huyện đang ngày một khởi sắc, tôi chợt cảm thấy vui hơn, ấm áp hơn khi được sống, được làm việc bên cạnh những con người đầy nhiệt huyết, có tâm với nghề, với công tác xã hội, giáo dục như Cô. Tôi tự hứa với lòng sẽ cố gắng, cố gắng hơn nữa, sẽ tự tu dưỡng, rèn luyện bản thân, để cho vườn hoa giáo dục của nước nhà luôn tỏa hương thơm ngát. Và những thành tích đó đã được lãnh đạo ghi nhận và quan tâm.Vào ngày 20/11/2023 cô Lâm Thị Đông đã được Ông Mai Văn Siêng Phó bí thư thường trực huyện ủy- Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Tân Hồng cùng đoàn lãnh đạo thăm và bày tỏ tri ân những đóng góp của cô cho sự nghiệp giáo dục đào tạo; chúc cô giáo Lâm Thị Đông luôn mạnh khoẻ, lạc quan để chăm sóc tốt gia đình, tiếp tục đào tạo nên những thế hệ trẻ chăm ngoan, có ích cho xã hội.
(Ông Mai Văn Siêng Phó bí thư thường trực huyện ủy- Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Tân Hồng cùng đoàn lãnh đạo thăm gia đình cô Lâm Thị Đông là giáo viên tiêu biểu nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2023).
Cô Lâm Thị Đông đã gắn bó với nghề giáo, thực hiện sứ mệnh trồng người, đã và đang làm những công việc thật bình dị song lại vô cùng ý nghĩa, thật đáng trân trọng. cô là tấm gương “người tốt, việc tốt” thiết thực, hết lòng vì sự nghiệp trồng người vì thế hệ tương lai mai sau với những việc làm và hành động cụ thể. Cô xứng đáng là một tấm gương nhà giáo mẫu mực trong ngành giáo dục huyện nhà.
Tác giả: Trương Thị Kim Nương. Nguồn: Mẫu giáo Tân Hộ Cơ.